Bệnh hoại tử cơ

Phòng bệnh tốt Vụ nuôi thành công

1. Nguyên nhân:

Do Virus:

Gồm 2 chủng virus là IMNV thuộc họ Totiviridae (Infectious myonecrosis virus) gây đục cơ trên tôm thẻ gặp ở Brazil và chủng PvNV thuộc họ nodavirus (Penaeus vannameinodavirus) gặp ở Belize.

Bệnh do virus gây ra sẽ lây truyền theo chiều ngang (tôm khỏe sang tôm bệnh thông quan môi trường nước hoặc tôm khỏe ăn tôm bệnh) và dọc (từ tôm bố mẹ sang tôm giống).

Khi môi trường biến động, IMNV có thể gây chết từ 40 – 70% tôm thẻ nhiễm bệnh trong khi PvNV không gây chết cho tôm. Bệnh do IMNV thành dịch chủ yếu xảy ra trên tôm thẻ chân trắng P. vannamei (trong tất cả độ mặn). Có gây nhiễm thí nghiệm trên tôm xanh P. stylirostris và tôm sú P. monodon nhưng bệnh không gây chết.

Các dấu hiệu bệnh bao gồm:

  • Tôm thường chết nhiều sau khi bị sốc (do thay đổi nhiệt độ, độ mặn, khi chày tôm, cho ăn…) nên thậm chí tôm chết còn đầy thức ăn trong ruột khi chết.
  • Xuất hiện nhiều điểm mờ đục trắng ở các đốt bụng của tôm. Tôm bệnh nặng hoặc khi thiêu oxy, toàn bộ cơ bụng chuyển sang trắng đục hoặc cam (do hoại tử). Tôm nhiễm bệnh cũng xuất hiện hiện tượng lột xác đồng loạt.
  • Sung huyết, viêm mô liên kết, thực bào, xuất hiện thể ẩn trong tế bào chất và có những thay đổi điển hình trong mô cơ nhiễm bệnh.

Bệnh hoại tử cơ do virus (IMNV). (a) Hình chụp dưới kính hiển vi điện tử, IMNV nhiễm tự nhiên trên tôm thẻ chân trắng ở Brazil; (b) (c) dấu hiệu bệnh hoại tử cơ trên tôm thẻ chân trắng do virus; (d) kích thước của cơ quan bạch huyết của tôm nhiễm IMNV tăng gấp 2-4 lần so với kích thước thông thường (đánh dấu trong vòng tròn). Nguồn: Lightner, 2011

Tôm thẻ nuôi có các dấu hiệu hoại tử cơ vận động như xuất hiện các vùng cơ bị đục, biến màu (mũi tên. A - Mô bệnh học tôm bệnh cho thấy các vùng cơ hoại tử (mũi tên rộng) và nhiễm trùng máu (mũi tên hẹp). B – mô cơ tôm khỏe

Tôm thẻ có thể có các vùng hoại tử cơ (mũi tên) nhưng không gây chết nếu môi trường nuôi ổn định

Do các nhân tố không lan truyền

Bao gồm căng thẳng do thay đổi các yếu tố môi trường (như sự thay đổi đột ngột của nhiệt độ, độ mặn và oxy hòa tan). Khi tôm bệnh được đặt nơi sục khí tốt phần cơ trắng sẽ tan đi trong vòng 24 giờ và tôm hoạt động trở lại.

Triệu chứng hoại tử cơ do các nhân tố không lan truyền sẽ không gây viêm mô cơ.

Do vi khuẩn

Bệnh thường do nhiễm vi khuẩn Vibiro harveyi, vibrio parahaemolyticus.

Hình bên trái là tôm thẻ tự nhiên có biểu hiện bệnh đục cơ, cơ đuôi tôm có các điểm hoặc vùng rộng màu trắng đục (mũi tên đen), thân và phụ bộ xuất hiện màu đỏ. Hình bên phải, tôm bên trên là gây nhiễm thực nghiệm với vi khuẩn V. harveyi cũng xuất hiện các điểm hoặc vùng rộng màu trắng đục (mũi tên đen), tôm bên dưới khỏe, cơ trong suốt (mũi tên màu trắng).

Tôm nhiễm Vibrio thường có biểu hiện ban đầu rất bình thường nhưng sau khi sốc (có thể do chuyển tôm từ nơi này đến nơi khác hoặc do sốc nước) sẽ xuất hiện các vùng cơ trắng đục ở phần bụng, có thể kèm theo đỏ thân và phụ bộ. Vùng cơ trắng có thể chuyển thành đỏ sau đó do hoại tử. Nếu tỉ lệ nhiễm bệnh trong đàn tôm cao, tôm sẽ chết rất nhiều vài ngày sau khi xuất hiện dấu hiệu bệnh.

Giống như các trường hợp gây nên hoại tử cơ khác, hoại tử cơ do vi khuẩn cũng có liên hệ mật thiết với biến động môi trường và mật độ nuôi. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng mật độ tế bào V. harveyi có thể tăng nhanh do sự thay đổi đột ngột của nhiệt độ, độ mặn, hàm lượng dinh dưỡng và mật độ thả. Khi mật số V. harveyi tăng lên, tôm dễ bệnh và chết.

Một ao tôm ấu niên xuất hiện tình trạng đục cơ, gan nhạt màu, teo nhỏ khi mới 15 ngày tuổi với các dấu hiệu đi kèm như: hạt sắc tố nở to, tôm bơi tắp mé, đục cơ 3 đốt giữa lưng, bong tróc ống gan tụy và hoại tử mang

2. Tác hại của bệnh hoại tử cơ:

Có thể gây chết 40 – 70% tôm trong suốt thời gian nuôi, nhất là vể cuối vụ (nếu tôm nhiễm IMNV). Các nguyên nhân gây bệnh còn lại cũng có thể gây chết rải rác.

Tôm không chết thì khả năng chống chịu thay đổi môi trường kém, miễn dịch yếu dễ chết khi điều kiện môi trường thay đổi hoặc nhiễm bệnh thứ cấp.

Tôm thu hoạch yếu, không thể vận chuyển xa.

3. Chuẩn đoán bệnh

Dựa trên các dấu hiệu bệnh lý đặc trưng. Do có nhiều nguyên gây ra hiện tượng hoại tử cơ nên để nhận biết tác nhân gây bệnh thì các phần mô từ cơ hoại tử phải được kiểm tra bằng kính hiển vi, làm mô bệnh học, cấy khuẩn và chạy PCR.

4. Phòng trị bệnh

Nhìn chung tình trạng đục cơ rất thường hay xuất hiện trong ao nuôi và khó xác định được nguyên nhân cụ thể. Trừ khi đục cơ xuất hiện ở tôm giống và tôm ấu niên (chiều dài 2 – 3 cm) thì không thể điều trị, phải hủy bỏ, còn ở các giai đoạn tôm lớn hơn có thể cải thiện bằng cách giảm mật độ nuôi, tăng cường sực khí đảm bảo oxy hòa tan trong nước cao, hạn chế khí độc và bùng phát tảo trong ao. Điều chỉnh lượng thức ăn cũng rất quan trong trong phòng trị bệnh hoại tử cơ và lượng chất hữu cơ trong nước liên quan mật thiết với hàm lượng các khí độc cũng như mật độ vi khuẩn.

Nên sử dụng các sản phẩm tăng cường sức đề kháng cho tôm trong suốt quá trình nuôi và các chế phẩm sinh học xử lý nước, giảm căng thẳng, cạnh tranh hại khuẩn.

Kích hoạt chức năng bình luận facebook bằng cách kéo màn hình từ trái sang và chọn "làm mới".
#zbwid-2bc236ba