Hội chứng ĐỐM TRẮNG do virus WSSV

Phòng bệnh tốt Vụ nuôi thành công

Bệnh đốm trắng do virus (White Spot Syndrome Virus - WSSV) là một trong các bệnh gây nên hiện tượng tôm nuôi chết hàng loạt trong các vùng nuôi tôm tại các địa phương ven biển ở nước ta từ nhiều năm qua.

1. Sơ lược 

     - Dịch bệnh đốm trắng bùng phát lần đầu vào năm 1992 tại Đài Loan sau đó là Nhật Bản và Hàn Quốc. Bệnh lây lan sang Malaysia , Ấn độ và Thái Lan vào năm 1994, và tới năm 1996 đã gây thiệt hại khắp Đông Nam Á. Cuối năm 1995, bệnh đã xuất hiện ở Mỹ, năm 1998 ở Trung và Nam Mỹ, năm 1999 ở Mexico, năm 2000 ở Philippin và năm 2011 ở Saudi Arabia.

     - Virus này đã được phát hiện tại Queensland, Australia vào tháng 11 năm 2016.

Những quốc gia có lịch sử xuất hiện bệnh đốm trắng do virus WSSV trên thế giới (số liệu tới năm 2011)

2. Nguyên nhân gây bệnh

     Bệnh do virus đốm trắng (WSSV), tăng sinh trong nhân tế bào.

(A) Hình thái virus đốm trắng (WSSV). (B) Vi ảnh của WSSV với phần phụ giống đuôi (mũi tên đen) (thang đo = 250 nm) (Nguồn: Durand, 1996).

     Virus đốm trắng (WSSV) lây nhiễm trên nhiều loài giáp xác (nước ngọt, nước lợ và nước mặn) theo chiều ngang (qua môi trường nước và ăn vật mang nhiễm bệnh tại ao nuôi) và chiều dọc (từ tôm mẹ nhiễm bệnh sang tôm con trong các trại sản xuất giống). WSSV không lây từ mẹ sang trứng do trứng sẽ không chín khi bị nhiễm virus này. Tuy nhiên, tôm mẹ thải virus đốm trắng trong buồng trứng ra môi trường nước và lây nhiễm cho ấu trùng.

     Tất cả các giai đoạn phát triển của tôm đều có thể nhiễm bệnh.

     Tôm hoang dã là vật mang WSSV, đặc biệt ở các vùng nước ven biển gần khu nuôi tôm ở các nước châu Á, nhưng tỷ lệ chết của tôm hoang dã vẫn chưa được quan sát.

WSSV có khả năng tồn tại trong nước mặn từ 5 – 40‰, độ pH 4 – 10, và nhiệt độ 0 – 800C.

Bệnh đốm trắng trên tôm sú. Tôm bệnh thấy rõ dấu hiệu đỏ thân (mũi trên đỏ) và các đốm trắng (mũi tên trắng) xuất hiện trên giáp đầu ngực. (Nguồn: DV Lightner)

     Mô đích của WSSV là mô ngoại bì và trung bì, đặc biệt là các tế bào biểu mô và mô liên kết. Mặc dù WSSV nhiễm vào các mô liên kết nằm bên dưới trong gan tụy tôm và ruột non, các tế bào biểu mô ống của hai cơ quan này có nguồn gốc nội bào, và không bị lây nhiễm.

Mô đích của virus gây hội chứng đốm trắng

     Trong phòng thí nghiệm, virus đốm trắng bị bất hoạt bởi Natri hypochlorit (nước Javel) ở nồng độ 1ppm trong 10 phút và Polivodon-iodine (I-ốt) ở 2,5 ppm trong 10 phút; mất khả năng gây bệnh khi xử lý nhiệt ở 500C trong 20 phút trong nước mặn tinh khiết hoặc xử lý phơi khô trong 30 phút. Virus cũng mất khả năng gây bệnh trong 60 phút dưới tia UV 9x105 µWs/cm2; bất hoạt ở nồng độ Ozone 0,5µg/mL ở 250C.

     Hòa virus mật độ cao vào nước mặn tinh khiết vẫn gây bệnh sau 120 ngày ở độ mặn 25‰ và hơn 120 ngày ở độ mặn 4‰. Nếu mật độ virus thấp thì duy trì khả năng gây bệnh 7 – 10 ngày ở các độ mặn tương ứng.

3. Dấu hiệu bệnh lý:

Giai đoạn cấp tính:

  • - Tôm nuôi chết rất nhanh (từ 80% trở lên) trong 1 – 5 ngày sau khi xuất hiện các dấu hiệu bệnh.
  • - Bơi lội lờ đờ.
  • - Ngừng ăn.
  • - Tôm hấp hối tập trung gần mặt nước quanh bờ ao.
  • - Vỏ giáp đầu ngực lơi lỏng.
  • - Màu sắc tôm thay đổi, thân và phụ bộ chuyển màu đậm (đỏ nâu hoặc hồng).
  • - Ngoại kí sinh bám đầy vỏ và mang.
  • - Ruột giữa màu trắng chạy dọc theo bụng ở ấu trùng và tôm giống nhiễm bệnh.
  • - Khi bóc tách vỏ giáp đầu ngực, soi dưới ánh sáng sẽ thấy các đốm trắng có đường kính 0,5 – 2 mm bên trong giáp đầu và đốt thứ 5 – 6. Đốm trắng có tâm trắng trong, bên ngoài trắng đục.
  • - Chậm đông máu

Lưu ý:

(i) Tôm bệnh có thể xuất hiện một trong các dấu hiệu bệnh lí cấp tính nhưng WSSV vẫn có thể tồn tại trong tôm không có bất kì dấu hiệu bệnh lí nào.

(ii) Sự xuất hiện của các đốm trắng không phải lúc nào cũng có nghĩa là bệnh đang ở giai đoạn cuối. Ví dụ, trong trong môi trường không gây căng thẳng, tôm nhiễm bệnh có đốm trắng có thể sống vô thời hạn. Tuy nhiên, nếu tôm vừa có đốm trắng vừa bị hôn mê, đỏ thân, tụ tập xung quanh bờ ao hoặc giảm ăn nhanh thì tỷ lệ chết của tôm có thể rất cao vòng vài giờ đến vài ngày kể từ khi xuất hiện các dấu hiệu này.

Giai đoạn cận cấp tính:

  • - Tôm nhiễm bệnh chết tùy theo chất lượng nước.
  • - Có thể thấy hoặc không thấy đốm trắng.
  • - Tôm ít ăn.
  • - Bơi lội chậm chạp.
  • - Chết tích lũy 30 – 80%.

Giai đoạn mãn tính:

  • - Tôm không chết.
  • - Có thể có hay không có đốm trắng trên vỏ giáp.

 

Tôm bệnh màu sắc thân chuyển sang đỏ nâu hoặc hồng

Đốm trắng trên vỏ giáp đầu ngực tôm sú và thẻ nhiễm WSSV giai đoạn cấp tính

4. Chuẩn đoán bệnh

PCR hoặc kiểm tra nhanh bằng test KIT nhanh:

     Phương pháp dùng test KIT nhanh có thể thực hiện trên cả tôm giống và tôm thương phẩm, tuy nhiên lượng tôm mẫu dùng kiểm tra nhỏ nên có thể không đại diện được tình trạng tôm bệnh trong ao.

Phương pháp kiểm tra WSSV bằng Test KIT nhanh

     Kiểm tra PCR trên tôm giống cho kết quả âm tính không có nghĩa mẻ giống không có mầm bệnh. Nhầm lẫn có thể xuất hiện do sai số khi lấy mẫu hoặc khi chạy PCR.

     PCR chéo được đề nghị thực hiện trên tôm giống như sau: lấy vài nghìn tôm giống (postlarvae) ở 4 – 5 giai đoạn khác nhau ương trong phòng lạnh 23 – 250C trong 5 ngày. Sau đó lấy 150 pL yếu nhất kiểm tra PCR.

Dựa vào các dấu hiệu bệnh lý:

     Dựa vào các dấu hiệu bệnh lý để xác định bệnh. Củng cố thêm kết luận bằng một trong các phương pháp trình bày phía dưới.

Dấu hiệu đặc trưng cửa hội chứng đốm trắng là tôm đỏ thân tấp mé bờ và đốm trắng xuất hiện trên vỏ giáp đầu ngực

Chim bay trên mặt những ao không có lưới chắn chim cũng là dấu hiệu tiêu biểu

Soi mẫu ướt:

     Ép mẫu tươi mang hoặc biểu mô dưới vỏ của tôm bệnh, mẫu có thể nhuộm hoặc không nhuộm. Kiểm tra dưới kính hiển vi tìm các đặc trưng như nhân tế bào mang hoặc tế bào biểu mô trương to, xuất hiện thể ẩn virus trong mẫu.

Mẫu mang nhiễm WSSV soi tươi dưới kính hiển vi

Tôm nhiễm WSSV có mang hoại tử

     Ngoài ra, đốm trắng có thể xuất hiện do sự vôi hóa trong nước có độ kiềm cao hoặc do sự phân giải vỏ của vi khuẩn. Nếu do các nguyên nhân này, tôm sẽ không xuất hiện các dấu hiệu cấp tính. Có thể phân biệt sự khác nhau này dưới kính hiển vi.

Đốm trắng trên vỏ giáp tôm thẻ xem dưới kính hiển vi, hình tròn, có tâm, có vết melanin

Đốm trắng trên vỏ giáp tôm sú xem dưới kính hiển vi, hình tròn, có chấm melanin rất rõ ràng

Đốm trắng đôi khi không tròn nhưng có vết melanin khắp đốm cũng do WSSV

Phết mẫu máu:

     Phết mẫu máu lên lame, soi dưới kính hiển vi trường đen để kiểm tra sự hiện diện của WSSV, là những đốm phản chiếu nhỏ có đường kính 0,5µm. Đây là phương pháp đơn giản, dễ thực hiện cho người chưa có kinh nghiệm.

     Sử dụng kim tiêm chứa formalin (10 – 25%) có thế tích bằng lượng máu lấy và lấy mẫu máu từ xoang chứa ở bụng, dưới cặp chân bơi đầu tiên hoặc ở xoang chứa phía dưới đôi chân bò từ thứ ba đến đôi cuối cùng.

     Lắc đều ống kim sau khi lấy mẫu, phết dịch mẫu lên lame kính và để khô. Có thể nhuộm hoặc không nhuộm H&E. Kiểm tra WSSV dưới kính hiển vi x400.

Vị trí lấy mẫu máu của tôm ở đôi chân bò cuối cùng. (Nguồn: acfs.go.th)

Mô bệnh học:

     Làm mô bệnh học các cơ quan địch như tuyến râu, cơ quan tạo máu, chân bơi, mang, dạ dày, cơ bụng. Nhuộm H&E và quan sát thể vùi của virus dưới kính hiển vi.

Mô bệnh học dạ dày của WSSV. (Nguồn: Researchgate.net)

Mô bệnh học mang tôm nhiễm WSSV thấy nhân tế bào sưng to

5. Các yếu tố môi trường liên quan đến mức độ bùng phát Hội chứng đốm trắng

Nhiệt độ

     Theo nghiên cứu, khi nuôi tôm ở nhiệt độ nước trên 320C sẽ ức chế sự phát triển của virus đốm trắng trong tôm thẻ chân trắng nhiễm bệnh. Tuy nhiên, khi hạ nhiệt độ xuống 260C, bệnh nhanh chóng bùng phát và gây chết 100% đàn tôm thí nghiệm.

     Trên tôm giống, thí nghiệm được thực hiện bằng cách ương tôm giống nhiễm WSSV ở nhiệt độ 32 ± 1°C trong 7 ngày trước khi chuyển sang nhiệt độ 28 ± 1°C. Tôm cảm nhiễm đã âm tính với virút đốm trắng WSSV.

     Các nghiên cứu này giải thích tại sao Hội chứng đốm trắng chỉ xuất hiện vào mùa lạnh.

Biểu đồ mối tương quan giữa nhiệt độ và mức độ bùng phát của Hội chứng đốm trắng. (Nguồn: GAA)

Mưa

     Các trận mưa lớn cũng có thể gây ra sự bùng nổ của WSSV do tác động kết hợp của việc giảm nhanh chóng độ mặn và nhiệt độ.

6. Các bệnh tương tự WSSV

     Gồm có Hoại tử biểu mô dưới vỏ và cơ quan tạo máu (IHHNV), Hoại tử gan tụy (NHP), hội chứng Taura (TSV), bệnh đầu vàng (YHV).

     Ngoài ra còn có sự đa nhiễm các bệnh virus trên cùng đàn tôm.

Tỉ lệ đa nhiễm virus trên tôm sú giống. (Nguồn: Oanh, 2007)

7. Phòng ngừa virus đốm trắng

     Phòng ngừa bằng cách hạn chế các nguồn nguyên nhân gây bệnh sau:

Lược đồ các nguồn nguyên nhân gây bùng phát hội chứng đốm trắng trong ao nuôi

8. Xử lý ao đã nhiễm virus đốm trắng

     Khi ao bị nhiễm virus đốm trắng và xuất hiện các dấu hiệu cấp tình cần ngay lập tức:

  • - Cách ly ao bệnh;
  • - Thu tôm ngay trong vòng 1 – 2 ngày nếu tôm đạt kích cỡ thu hoạch;
  • - Sau khi thu tôm, khử trùng nước và dụng cụ nhiễm WSSV bằng Chlorine nồng độ 40 ppm. Giữ nước sau khi xử lý Chlorine ít nhất 7 ngày trước khi xả ra môi trường. Dụng cụ và quạt nước dùng trong ao phải được phu xịt bằng nước hòa Chlorine với nồng độ 1.600 ppm hoặc nếu có thể thì ngâm trong nước hòa tan 40ppm Chlorine trong ít nhất 3 ngày.
  • - Nếu tôm chưa đạt cỡ thu hoạch, thì hủy tôm bằng Chlorine nồng độ 40 ppm. Trong trường hợp tôm chưa chết hết thì tiếp tục tái xử lý Chlorine nồng độ 100 ppm. Xác tôm chết phải lưu lại trong ao ít nhất 7 ngày cho phân hủy tự nhiên và tiêu diệt mầm bệnh (vì mầm bệnh có thể còn tồn tại trong nhân tế bào).
  • - Sau khi tháo nước, loại bỏ bùn đáy, xử lý vôi 4.000 – 5.000kg/ha khi đáy còn ẩm (có thể xử lý vôi theo pH đất). Phơi khô đáy, đảm bảo không còn chỗ ẩm cho mầm bệnh ẩn nấp.

     Những ao gần kề ao nhiễm WSSV không có dấu hiệu bệnh (như giảm ăn, lờ đờ) có thể duy trì bằng cách giảm thiểu các nguyên nhân gây căng thẳng. Xử lý iodine 10% ở mức 0,3 – 1ppm (lập lại sau 3 – 4 ngày) hoặc formaline 70ppm (mỗi ngày) hoặc BKC 1 ppm.

Kích hoạt chức năng bình luận facebook bằng cách kéo màn hình từ trái sang và chọn "làm mới".
#zbwid-2bc236ba